Khởi nghiệp từ trùn quế- Bài học xương máu giúp bạn thành công

Nuôi trùn quế là ý tưởng khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ. Nhưng không phải ai cũng may mắn đạt thành công với mô hình này. Vậy làm sao để định hình công việc nuôi trùn quế và hạn chế rủi ro khi kinh doanh, hãy tham khảo ngay bài học được chia sẻ từ khoinghiepshare ngay dưới đây.

Giới thiệu về trùn quế

Trùn quế còn có tên gọi khác là giun quế. Chúng là loại trùn ăn phân, sống trong môi trường hữu cơ đang phân huỷ.

Trùn quế rát mắn đẻ và dễ thu hoạch. Chúng có giá trị lớn về dinh dưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Hình ảnh về trùn quế hay còn được gọi là giun quế

Hiện nay, chúng được nuôi công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ. Chúng được phân phối phổ biến và trở thành nguồn dinh dưỡng phục vụ các loại vật nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản,…Ngoài ra, trùn quế còn được ứng dụng trong y học, trong công nghệ ươm trồng và sản xuất thực phẩm sạch.

Nuôi trùn quế có khó không?

Các loại trùn quế nuôi công nghiệp hiện nay đã được thuần hoá. Chúng sinh trưởng rất mạnh mẽ trong môi trường hữu có đang phân huỷ (như phân gà, phân bò, phân lợn) và đặc biệt chúng rất thích hợp nuôi các các vùng có khí hậu nhiệt đới. 

Bạn có thể bắt chúng bằng tay và dễ thu hoạch. Mỗi con trùn có kích thước khoảng 10 – 15cm, thân dẹt, bề ngang từ 0,1 – 0,2cm. Trùn quế có màu đỏ hoặc màu mận chín tuỳ theo ngày tuổi. Chúng có hình thon dài, nối với nhau bằng nhiều đốt và có vành tơ trên mỗi đốt.

Rất nhiều người đã làm giàu từ việc nuôi trùn quế

Trùn quế hô hấp qua da, chúng hấp thụ oxi và cacbonic trong nước. Do vậy, chúng có khả năng sống trong nước và môi trường ẩm ướt trong nhiều tháng. 

Trùn quế nuốt thức ăn bằng môi ở lỗ miệng. Chúng khá nhạy cảm, đặc biệt là với ánh sáng, nhiệt độ, độ mặn và khí hậu khô hạn. Chúng thích hợp với khung nhiệt độ thấp từ 20 – 27 độ C, độ ẩm ở mức 60 – 70%. Trùn quế rất ưa môi trường ẩm ướt và có độ pH ổn định từ 7 – 7,5.

Tại các vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, trùn quế nuôi sinh sản rất nhanh và mạnh. Trong vòng 1 năm, 1 cặp trùn quế có thể tạo ra từ 1000 – 1500 cá thế nếu được sống trong môi trường thích hợp. Người nuôi trùn quế có thể thu hoạch để bán con giống hoặc trùn quế tươi có giá từ vài chục ngàn tới cả trăm ngàn tuỳ loại.

Do vậy, trùn quế được xác định là loài có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chúng cũng được rất nhiều hộ dân lựa chọn để khởi nghiệp và làm giàu.

Tại sao nhiều người thất bại khi nuôi trùn quế?

Bên cạnh những câu chuyện khởi nghiệp thành công từ trùn quế và thu hàng tỷ đồng/năm thì cũng có không ít người thất bại khi nuôi trồng và kinh doanh chúng.

Người nuôi trùn quế cần có kiến thức về chúng và đảm bảo thực hành đúng kỹ thuật nuôi trồng

Việc nuôi trùn quế có thể rất dễ dàng, dễ tiêu thụ và sinh lời cao. Nhưng rất nhiều người do quá chủ quan, vội vàng mở rộng mô hình khi chưa áp dụng kỹ thuật đúng đắn nên hiệu quả đạt được chưa cao. Thậm chí một số chủ trang trại còn phá sản khi mắc phải nhiều sai lầm, đi vào bết xe đổ của người đi trước. 

Dưới đây là một số lý do có thể khiến cho việc khởi nghiệp từ trùn quế bị thất bại mà bạn cần tham khảo để hạn chế rủi ro:

Không nắm vững kỹ thuật

Để nuôi trùn quế thành công, bạn cần cẩn thận từ việc xây dựng trang trại, chọn mua con giống, thức ăn cho tới kỹ thuật nuôi trồng. Đặc biệt, các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm,…nếu như không được kiểm soát thường xuyên sẽ khiến cho việc nuôi chúng trở nên thất bại.

Tuy chúng rất dễ nuôi nhưng nếu như không có con giống khoẻ và tạo ra môi trường hữu cơ thích hợp cho chúng sinh sản thì hiệu quả mang lại sẽ rất kém. Nếu phân trùn “không chín” hay thức ăn của chúng bị cung cấp gián đoạn, chúng sẽ bỏ đi, mật độ trùn lúc đó sẽ không còn đảm bảo.

Trùn quế không đảm bảo chất lượng

Nuôi trùn quế rất đơn giản. Nhưng cũng chính vì điều này mà nhiều chủ trang trại tỏ ra rất chủ quan khi nuôi chúng. Đó là lý do khiến cho trùn quế thành phẩm không đảm bảo chất lượng. 

Trường hợp phân chưa chín, trùn chưa ăn hết phân nhưng người nuôi muốn bán sớm cũng có ảnh hưởng rất lớn. Chắc chắn chúng sẽ không đảm bảo về chất lượng và độ thơm ngon dẫn tới việc mất giá. Đó là nguyên nhân khiến cho khách mua sẽ không quay lại. Việc kinh doanh của bạn vì thế mà trở nên thất bại.

Thu không đủ chi

Nhu cầu sử dụng trùn quế ngày càng cao. Nhưng nếu như người nuôi đầu tư mô hình quá lớn so với khả năng chăm sóc của mình thì chi phí sẽ bị “đội” lên rất cao. Nhiều lúc sẽ dẫn đến tình trạng số tiền thu về sau khi bán trùn không đủ để chi trả các chi phí về con giống và vận hành.

Chỉ cần tính toán không tỉ mỉ một chút thôi, dòng vốn bạn bỏ ra sẽ nhanh chóng bị “cụt” và gặp những rủi ro về tài chính. 

Gặp khó khăn khâu tiêu thụ

Rất nhiều cơ sở nuôi trùn quế gặp phải khó khăn trong việc tìm đầu ra tiêu thụ. Đa phần vì kinh doanh theo hình thức nhỏ lẻ và trùn quế không đảm bảo được chất lượng yêu cầu.

Bạn nên nhớ rằng, tuy nhu cầu thu mua trùn quế hiện nay rất cao. Nhưng trùn quế giống và thành phẩm được chia thành rất nhiều loại. Mỗi loại lại yêu cầu tiêu chuẩn và mức giá riêng. Đương nhiên, nếu như bạn không thể đáp ứng được các điều kiện cung ứng từ các trang trại thực phẩm sạch hoặc thị trường, sản phẩm trùn quế của bạn chắc chắn sẽ chẳng có ai thu mua cả.

Người nuôi trùn quế hiện gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi

Một nguyên nhân nữa khiến cho đầu ra tiêu thụ của bạn gặp khó khăn đó chính là hướng truyền thông sản phẩm chưa đúng. Việc đổ ngân sách lan man thiếu trọng tâm vào các kênh quảng cáo sẽ khiến cho khách hàng chẳng thể nào chú ý tới sản phẩm của bạn.

Đó là 4 nguyên nhân phổ biến dẫn tới việc hàng trăm trại trùn quế đóng cửa mỗi năm. Vấn đề đó xảy ra ở cả những người nông dân khởi nghiệp cho tới các bạn trẻ có trình độ.

Vậy làm sao để hạn chế rủi ro khi nuôi và xây dựng mô hình kinh doanh trùn quế? Theo dõi ngay bài học xương máu được khoinghiepshare tổng hợp và chia sẻ tới bạn đọc ngay dưới đây.

  1. Bài học quý báu khi khởi nghiệp với trùn quế

Khảo sát thị trường kỹ càng

Nhu cầu sử dụng trùn quế ở mỗi địa phương là khác nhau. Mức giá mà các trang trại, cơ sở thu mua cũng có phần đa dạng. Do vậy, trước khi nuôi trùn quế bạn cần tìm hiểu rõ ràng về nguồn cung con giống và thị trường tiêu thụ. Đừng ngại liên hệ với những cơ sở thu mua ở các tỉnh thành lân cận nếu như họ đưa ra mức giá cao hơn. Và ngược lại cũng không nên quá lệ thuộc vào nhu cầu của các trang trại thực phẩm sạch hay các đầu nậu trên địa bàn.

Người nuôi có thể liên hệ với các trang trại thực phẩm sạch để tiêu thụ trùn quế

 

Những yếu tố về giá cả sẽ giúp bạn lên kế hoạch rõ ràng và đặc biệt là quản lý tốt dòng vốn của mình để không “bội chi” mà sẽ nhanh thu hồi vốn.

Điều kiện bắt buộc nếu muốn nuôi trùn quế

 

  • Có nguồn phân động vật tại chỗ (phân trâu bò, gà, lợn, dê thỏ,…) cùng các nguồn rác thải hữu cơ (rơm rạ, rau quả, bã trái cây, xơ mít, vỏ xoài, dứa, thân cây chuối,…). Nguồn phân này rất dễ kiếm ở khu vực nông thôn và đặc biệt phù hợp với những hộ gia đình nuôi trồng theo mô hình VAC.

 

  • Có chuồng nuôi thích hợp. Bạn có thể tận dụng các dụng cụ đựng có thể thoát nước được như thùng phuy, can nhựa, khay, thùng, chậu, lều lán hoặc chuồng trại cũ bỏ không để làm chuồng nuôi trùn. 

Yêu cầu kỹ thuật

Với người nuôi: 

  • Có kiến thức về quy trình công nghệ nuôi trùn quế. 
  • Nắm vững đặc tính sinh lý, sinh thái cơ bản của trùn. 
  • Thực hành đúng yêu cầu kỹ thuật khi nuôi trùn quế.

Với chuồng trại:

  • Cần đặt nơi thoáng mát, tránh nơi bị ngập úng và nơi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Bể nuôi có mái che để tránh mưa nắng.
  • Đảm bảo nguồn nước thường xuyên, sạch và trung tính.
  • Chuồng nuôi cần thoát nhiệt, thoát nước tốt.
  • Đảm bảo điều kiện về độ ẩm và nhiệt độ.
  • Có biện pháp ngăn ngừa thiên địch như cóc, nhái, kiến,…
  • Bố trí đèn sáng vào ban đêm và những ngày mưa gió để tránh trùn bò đi nơi khác.

Chuẩn bị chất nền:

  • Chất nền cần đạt các yếu tố về độ tơi xốp, sạch và giàu dinh dưỡng, giữ ẩm tốt, không gây phản ứng nhiệt,…

Yêu cầu về nhiệt độ:

  • Biên độ nhiệt từ 20oC – 30oC là thích hợp nhất cho sự phát triển của trùn quế. Với các trại nuôi ở phía Bắc, khi mùa đông nhiệt độ xuống thấp cần che chắn kỹ và thắp đèn vào ban đêm để duy trì nhiệt độ trong mức cho phép. Điều đó sẽ tránh trường hợp trùn ngủ đông hoặc bị chết cóng.

Yêu cầu về độ ẩm:

  • Chú ý giữ ẩm bằng cách tưới nước ít nhất 2 lần/ngày. Nước tưới có độ pH trung tính, không bị nhiễm mặn hoặc phèn. Bạn có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách nắm phần sinh khối trong chuồng bằng tay, sau đó thả ra. Nếu phân sinh khối còn giữ nguyên và tay bị ướt thì độ ẩm đã đủ. Ngược lại, nếu phần sinh khối bị vỡ, rơi xuống thì có thể đang quá ướt hoặc quá khô. Lúc này bạn cần điều chỉnh lại ngay.

Yêu cầu về ánh sáng:

  • Trùn quế rất sợ ánh nắng nên bạn cần che chắn thật kỹ càng vào ban ngày để tránh tia tử ngoại chiếu vào chuồng nuôi. Để tránh năng bạn có thể dùng tấm phủ trên mặt luống nuôi nhưng cần chú ý giữ cho chuồng luôn thoáng mát, không bị bức bí.

Yêu cầu về không khí:

CO2, H2S, SO3, NH4 là các khí gây bất lợi cho trùn quế. Do vậy mà thức ăn của trùn cần phải được giữ sạch và không có các thành phần hoá học.

Việc ứng dụng mô hình nuôi phù hợp và áp dụng kỹ thuật công nghệ sẽ giúp người nuôi thành công với trùn quế

Yêu cầu về thức ăn:

Thức ăn của trùn gồm phân trâu bò, heo, dê, gà vịt, rơm rạ và các loại rác thải hữu cơ. Trong đó, phân trâu bò tươi là món khoái khẩu của chúng. Còn các loại phân gà, vịt, lợn, bạn cần ủ cho hoai trước khi cho trùn ăn. Lưu ý, không nên cho trùn ăn thức ăn có lượng muối và amoniac quá cao.

Các mô hình nuôi trùn quế được áp dụng thành công

Hiện nay, có nhiều mô hình nuôi trùn quế được áp dụng. Điển hình như:

  • Nuôi trong khay, chậu (với diện tích nhỏ).
  • Nuôi trên đồng ruộng (có mái che hoặc không).
  • Nuôi trong nhà, chuồng nuôi kiên cố.

Mỗi mô hình nuôi phù hợp với từng đối tượng mặt bằng, khí hậu và điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình nuôi trồng để đảm bảo trùng quế sinh trưởng và phát triển trong môi trường tốt nhất.

Quy trình nuôi trùn quế đúng khoa học

Để bắt đầu nuôi trùn quế, bạn cần đáp ứng quy trình sau:

  • Chuẩn bị chuồng nuôi theo 3 mô hình tham khảo phía trên
  • Chuẩn bị dụng cụ, bao gồm: 
  • Cây chĩa 6 răng để xới, thu hoạch và chăm sóc trùn. 
  • Tấm che phủ để tạo bóng tối và giữ độ ẩm cho luống trùn.
  • Thùng tưới: Có thể sử dụng thùng có vòi sen như thùng tưới rau hoặc vẩy nước qua sàn rổ.
  • Gáo múc thức ăn.
  • Chuẩn bị chất nền theo phương pháp: Ủ nóng, ủ nguội hoặc ủ hỗn hợp.
  • Rải chất nền đệm dày từ 10 – 20cm, sau đó tưới ẩm, xới và san bằng. Nên rải chất nền trước khi thả trùn từ 2 – 3 ngày.
  • Ủ phân để làm thức ăn cho trùn.
  • Chuẩn bị trùn giống. 
  • Thả trùn giống: Lưu ý thả vào buổi sáng và theo mật độ thích hợp, không nên thả quá dày.
  • Che phủ luống trùn bằng bao tải cũ, bìa cát tông, chiếu cói hoặc lá chuối, lá cọ.
  • Tưới ẩm luống nuôi: Tưới từ 2 – 3 lần/ngày.
  • Cho trùn ăn và chăm sóc chúng. 

Trùn quế thường rất ít bị dịch bệnh và sinh sản khá nhanh. Chỉ cần bạn duy trì lượng thức ăn và môi trường phù hợp để chúng phát triển là bạn có thể thu hoạch chúng chỉ sau 45 – 50 ngày. Trong thời gian này, bạn có thể mở rộng và nhân giống được rất nhiều luống trùn mới, đảm bảo sẽ thu hoạch được đều đặn, đảm bảo đầu ra.

Trên đây là những chia sẻ của khoinghiepshare về ý tưởng làm giàu từ trùn quế. Hy vọng rằn bạn đã có thêm cho bản thân nhiều kiến thức hữu ích. Và để thành công với mô hình trên, đừng quên kết nối với chúng tôi và các bạn trẻ khác cũng đang khởi nghiệp từ trùn quế để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nhé! 

Chúc bạn may mắn và thành công.

One thought on “Khởi nghiệp từ trùn quế- Bài học xương máu giúp bạn thành công

  1. Niên says:

    Mình thả trùn quế giống được 2 tháng. Trùn ăn và phát triển tốt nhưng không thấy sinh sản. Rất mong được tư vấn. Mình nuôi trong nhà, nhiệt độ, tối và độ ẩm đảm bảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *